– Phép tìm chân lý của lô-gích học căn cứ vào những nhận xét về các sự vật riêng lẻ rồi đúc lại thành nguyên tắc chung.
một trong những kiểu suy lí và phương pháp nghiên cứu đi từ cái riêng đến cái chung, từ những sự vật cá biệt tới nguyên lí phổ biến, khác với phương pháp diễn dịch đi từ cái chung đến cái riêng, từ cái phổ biến đến cái đặc thù. QN được phân thành hai loại chủ yếu: QN đầy đủ và QN không đầy đủ. QN đầy đủ là phương pháp dựa trên sự liệt kê đầy đủ các tiền đề bao quát mọi trường hợp của một hiện tượng để từ đó rút ra kết luận chắc chắn. QN không đầy đủ là kiểu suy lí đi từ tiền đề không bao quát mọi trường hợp của hiện tượng để từ đó rút ra một kết luận chung. QN đầy đủ được ứng dụng rất hạn chế trong thực tiễn khoa học; còn QN không đầy đủ được ứng dụng rất rộng rãi, nhưng điểm yếu của nó là kết luận được rút ra không phải là kết luận chắc chắn, chỉ có xác suất đúng nhất định. Để nâng cao độ lớn của xác suất ấy cần phải bổ sung bằng phương pháp diễn dịch (x. Diễn dịch). Cũng như diễn dịch, QN đã được đề cập trong các tác phẩm của nhà triết học Hi Lạp cổ đại Arixtôt (Aristote). Vấn đề này được các nhà triết học – tự nhiên học kinh nghiệm chủ nghĩa thế kỉ 17 – 18 đặc biệt quan tâm. Bêcơn F. (F. Bacon), Galilê G. (G. Galilei), Niutơn I. (I. Newton), Min J. X. (J. S. Mill), vv. là những người có cống hiến lớn trong nghiên cứu các vấn đề của phương pháp QN. Song, hạn chế của các ông là đánh giá quá cao phương pháp QN, đặt nó lên trên phương pháp diễn dịch. Triết học Mac đã khắc phục nhược điểm này khi không quá đề cao cái này và coi thường cái kia; coi QN và diễn dịch là hai phương pháp tuy đối lập nhau, nhưng không độc lập đối với nhau, chúng gắn bó chặt chẽ với nhau và bổ sung lẫn nhau.