– d. Điều đòi hỏi của đời sống, tự nhiên và xã hội. Nhu cầu về ăn, ở, mặc. Nhu cầu về sách báo. Thoả mãn nhu cầu vật chất và văn hoá.
sự phản ánh một cách khách quan các đòi hỏi về vật chất, tinh thần và xã hội của đời sống con người phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kì. NC hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Mức độ NC và phương thức thoả mãn NC về cơ bản phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội, trước hết là trình độ phát triển kinh tế. NC là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất và toàn xã hội phát triển. Đặc điểm NC của các tầng lớp nhân dân được hình thành tuỳ theo địa vị của họ trong nền sản xuất xã hội, tuỳ thuộc vào những đặc trưng về nhân khẩu, chủng tộc, dân tộc… về các điều kiện kinh tế, xã hội, tự nhiên. NC được phân thành nhiều loại. Xét về mặt chủ thể, có NC cá nhân, NC tập thể, NC xã hội; xét về mặt hoạt động, có NC lao động, NC hiểu biết, NC trao đổi, NC giải trí, vv.; xét về mặt đối tượng, có NC vật chất, NC tinh thần; xét về mặt chức năng, có NC chính, NC phụ; xét về mặt đạo lí, có NC hợp lí, NC không hợp lí, vv. Cơ cấu NC biến động khác nhau theo giai cấp, theo các tầng lớp cư dân, các vùng lãnh thổ, tuỳ theo thời kì phát triển kinh tế – xã hội. Xác định NC là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế và quản lí kinh tế.
Trong xã hội có giai cấp đối kháng, mức độ NC và phương thức thoả mãn NC mang tính giai cấp. Mục đích của chủ nghĩa xã hội là thoả mãn NC vật chất và tinh thần ngày càng tăng của mọi người trước hết là nhân dân lao động, trên cơ sở không ngừng phát triển sản xuất, bằng việc kết hợp tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội với những thành tựu khoa học – kĩ thuật mới nhất của thời đại.